Để bảo vệ công trình khỏi nguy cơ bị sét đánh thì việc lắp đặt hệ thống chống sét là hoàn toàn cần thiết. Đặc biệt là các địa điểm như: nơi tụ họp đông người, nơi thường xuyên xảy ra sét đánh, nơi có các kết cấu rất cao hoặc đứng đơn độc, nơi chứa các vật liệu dễ cháy nổ,… Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác thì việc “Có cần chống sét hay không?” lại tương đối khó quyết định. Khi ấy, chúng ta sẽ cần cân nhắc đến một thông số, đó là xác suất sét đánh tổng hợp. Để tìm hiểu rõ hơn, mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây.
Cách xác định xác suất sét đánh vào công trình
1. Xác suất của một công trình hoặc một kết cấu bị sét đánh trong bất kỳ một năm nào đó là tích của “mật độ sét phóng xuống đất” và “diện tích thu sét hữu dụng” của kết cấu.
Trong đó:
– Mật độ sét phóng xuống đất (Ng) là số lần sét phóng xuống mặt đất trên 1 km2 trong một năm.
– Diện tích thu sét hữu dụng (Ac) của một kết cấu là diện tích mặt bằng của các công trình kéo dài trên tất cả các hướng có tính đến chiều cao của nó. Cạnh của diện tích thu sét hữu dụng được mở rộng ra từ cạnh của kết cấu một khoảng bằng chiều cao của kết cấu tại điểm tính chiều cao.
Ví dụ: một tòa nhà hình chữ nhật đơn giản có chiều dài L, chiều rộng W, chiều cao H thì diện tích thu sét hữu dụng có độ dài (L + 2H) m và chiều rộng (W + 2H) m với 4 góc tròn tạo bởi ¼ đường tròn có bán kính là H. Như vậy diện tích thu sét hữu dụng sẽ là:
Ac = LW + 2 LH + 2WP + πH^2
Xác suất sét đánh vào công trình trong một năm (p) được tính như sau: p = Ac x Ng x 10^-6
2. Xác suất sét đánh cho phép (p0) được lấy bằng 10^-5 trong một năm.
3. Xác suất sét đánh tổng hợp = p x hệ số điều chỉnh.
Nếu xác suất sét đánh tổng hợp lớn hơn xác suất sét đánh cho phép (p > p0) thì cần phải bố trí hệ thống chống sét.
Các hệ số điều chỉnh
Các hệ số điều chỉnh biểu thị mức độ quan trọng hoặc mức độ rủi ro tương đối trong mỗi trường hợp.
Bảng tra giá trị hệ số A (theo dạng công trình)
Dạng công trình | Giá trị hệ số A |
Nhà và công trình với kích thước thông thường | 0,3 |
Nhà và công trình với kích thước thông thường và có bộ phận nhô cao hơn xung quanh | 0,7 |
Nhà máy, xưởng sản xuất, phòng thí nghiệm | 1,0 |
Công sở, khách sạn, nhà ở chung cư | 1,2 |
Nơi tập trung đông người như hội trường, nhà hát, bảo tàng, siêu thị lớn, bưu điện, nhà ga, bến xe, sân bay, sân vận động | 1,3 |
Trường học, bệnh viện, nhà trẻ mẫu giáo … | 1,7 |
Bảng tra giá trị hệ số B (theo dạng kết cấu công trình)
Dạng kết cấu công trình | Giá trị hệ số B |
Khung thép hoặc Bê tông cốt thép có mái kim loại | 0,1 |
Khung thép có mái không phải bằng kim loại (x) | 0,2 |
Bê tông cốt thép có mái không phải bằng kim loại | 0,4 |
Thể xây có mái không phải bằng kim loại hoặc tranh tre nứa lá | 1,0 |
Khung gỗ có mái không phải bằng kim loại hoặc tranh tre nứa lá | 1,4 |
Thể xây, khung gỗ có mái bằng kim loại | 1,7 |
Các công trình có mái bằng tranh tre nứa lá | 2,0 |
CHÚ THÍCH: x) Các kết cấu có bộ phận kim loại trên nóc mái và có tính dẫn điện liên tục xuống đất thì không cần theo bảng này |
Bảng tra giá trị hệ số C (theo công năng sử dụng)
Dạng công năng sử dụng | Giá trị hệ số C |
Nhà ở, công sở, nhà máy, xưởng sản xuất không chứa các đồ vật quý hiếm hoặc đặc biệt dễ bị hủy hoại (x) | 0,3 |
Khu công nghiệp, nông nghiệp có chứa các thứ đặc biệt dễ bị hủy hoại (x) | 0,8 |
Trạm điện, trạm khí đốt, điện thoại, đài phát thanh | 1,0 |
Khu công nghiệp then chốt, công trình di tích lịch sử, bảo tàng, tòa nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật hoặc công trình có chứa các thứ đặc biệt dễ bị hủy hoại (x) | 1,3 |
Trường học, bệnh viện, nhà trẻ mẫu giáo, nơi tập trung đông người | 1,7 |
CHÚ THÍCH: x) Dễ bị hủy hoại do cháy hoặc hậu quả của hỏa hoạn |
Bảng tra giá trị hệ số D (theo mức độ cách ly)
Mức độ cách ly | Giá trị hệ số D |
Công trình xây dựng trong khu vực đã có nhiều công trình khác hoặc có nhiều cây xanh với chiều cao tương đương hoặc ít hơn | 0,4 |
Công trình xây dựng trong khu vực có ít công trình khác hoặc cây xanh có chiều cao tương đương | 1,0 |
Công trình xây dựng hoàn toàn cách ly hoặc cách xa ít nhất hai lần chiều cao của các công trình hay cây xanh hiện hữu trong khu vực | 2,0 |
Bảng tra giá trị hệ số E (theo dạng địa hình)
Dạng địa hình xây dựng | Giá trị hệ số E |
Vùng đồng bằng, trung du | 0,3 |
Vùng đồi | 1,0 |
Vùng núi cao từ 300 m đến 900 m | 1,3 |
Vùng núi cao trên 900 m | 1,7 |
Lời kết
Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã nắm bắt được cách tính xác suất sét đánh, từ đó đưa ra quyết định có cần lắp đặt hệ thống chống sét hay không.
Bạn quan tâm đến các thiết bị, vật tư chống sét hoặc có nhu cầu lắp đặt hệ thống chống sét, hãy liên hệ Sét Toàn Cầu theo địa chỉ dưới đây để được tư vấn – hỗ trợ kịp thời nhất.
CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI VÀ XÂY LẮP SÉT TOÀN CẦU
Hotline: 0972.299.666
Email: settoancau@gmail.com
Website: chongsettoancau.com